Hóa đơn mua bán hàng hóa được lập khi áp dụng thuế GTGT 8% nhưng chưa thu tiền thì sang năm 2023 có phải lập lại hóa đơn mới không?

Vũ Xuân Quỳnh

Moderator
Nhân viên MISA
Thuế suất thuế GTGT 8% được áp dụng đến khi nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 15/2022/NĐ-CP ghi nhận cụ thể thời hạn áp dụng mức thuế suất GTGT 8% như sau:

Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện
1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.
Điều 1 Nghị định này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Điều 2 Nghị định này áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022.
Như vậy, trong trường hợp chính phủ không ban hành quyết định mới về việc giảm thuế giá trị gia tăng thì kể từ ngày 01/01/2023 các hàng hóa đang được hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ quay lại áp dụng mức thuế suất GTGT 10% trước đó.

8%.png

Hóa đơn mua bán hàng hóa được lập khi áp dụng thuế GTGT 8% nhưng chưa thu tiền thì sang năm 2023 có phải lập lại hóa đơn mới không?

Căn cứ tại Nghị quyết 43/2022/QH15Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% chỉ áp dụng trong năm 2022 và cụ thể là đến hết ngày 31/12/2022.

Đối với trường hợp hóa đơn mua bán hàng hóa được lập khi áp dụng thuế GTGT 8% nhưng chưa thu tiền thì theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CPkhoản 1 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC về thời điểm lập hóa đơn và thuế giá trị gia tăng ghi nhận như sau:

Thời điểm lập hóa đơn
1. Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
3. Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
Thời điểm xác định thuế GTGT
1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Theo đó, thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền mà không dựa vào thời điểm lập hóa đơn.

Như vậy, đối với trường hợp hóa đơn mua bán hàng hóa được lập khi áp dụng thuế GTGT 8% nhưng chưa thu tiền thì áp dụng thuế GTGT như sau:

+ Trường hợp hóa đơn mua bán hàng hóa được lập trước ngày 31/12/2022 nhưng bên mua và bên bán chưa thực hiện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa thì cho dù đã thu tiền hay chưa thì cũng không được áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% và phải lập hóa đơn tại thời điểm chuyển giao hàng hóa cho bên mua.

+ Trường hợp hai bên mua bán hàng hóa đã thực hiện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa trước ngày 31/12/2022 thì được xem là thời điểm đã xác định thuế GTGT do đó được áp dụng thuế suất thuế GTGT 8%.


Nguồn: Thư Viện Pháp Luật


 
Học thêm kiến thức tại: AMIS Blog | MISA Academy
Top